Thursday, March 13, 2014

Vượt cạn

“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”...

Có ngâm nga câu hát cả đời cũng không thấm nhuần được ý nghĩa của nó bằng một lần thực sự sinh con.

Mẹ đã hứa rằng nhất định sẽ tường thuật lại “chuyến ra đời” của Gab yêu. Với mẹ, đó là một kỷ niệm thiêng liêng trong suốt cuộc đời, cũng là thứ trải nghiệm mà mẹ có nằm mơ cũng không ngờ lại “hoành tráng” thế.

Mẹ nghỉ chờ sinh từ tuần thứ 38, khi ấy vừa hết Tết. Bố mẹ, một bè lũ thực dụng, bảo nhau khéo mà con lại sinh vào đúng 14/2 - ngày lễ tình yêu, sau này thiệt quà phải biết! Chờ mãi đến gần rằm vẫn chưa thấy con ra. Cả nhà ai cũng lo con thành “gái hôm rằm” thì ghê gớm lắm. Mong con là vậy, mẹ vẫn tự nhủ con nán chờ đến... 16 hẵng ra. Vậy mà, hết rằm tháng giêng rồi vài ngày sau đó cũng không thấy chuyển dạ. Mẹ quyết định đi khám, rau thai can xí hóa độ II-III, bác sĩ bảo mẹ 2 ngày phải khám thai 1 lần.

Mấy đêm mẹ nằm thấy khó chịu, bụng cũng co thắt vài cơn nhưng không hề dồn dập. Chẳng giống như Braxton Hicks do sách mô tả gì cả. Sáng ấy thứ Bảy, 23/2/08, thai đã sang tuần thứ 41, mẹ lại nhờ bố cho đi khám lần nữa xem tình hình đến đâu rồi.

Vì là chủ tâm khám xong sẽ đi ăn bún ốc thịt bò (món khoái khẩu của mẹ khi mang thai Gab nhé), nên bố mẹ rất vô tư không chuẩn bị gì hết. Mẹ thậm chí còn chưa tắm, đầu mới gội hôm qua. Chẳng ngờ khi chạy monitor, cô y tá phát hiện có dấu hiệu trở dạ, thông báo với mẹ là nên khám cấp cứu. Thì vào khám cho yên tâm, chứ mẹ chẳng tin là Gab sắp ra đời.

Thế mà sau khi vào khám, mẹ “bị” giữ lại luôn. Bác sĩ cho biết đã mở 2 phân, người ta “thụt” luôn để chuẩn bị chuyển lên phòng đẻ. Thế là hết đường! Mẹ chẳng còn kịp chạy đi đâu cả ngoài cái... toilet (trả tiền mới được vào). Chưa ăn sáng, chưa tắm, chưa gội đầu (vì là sắp sinh nên ngày nào mẹ cũng tắm gội chuẩn bị tinh tươm lắm, nhưng hôm nay chưa kịp thì...).

Mẹ gọi điện về cho bà ngoại: “Sáng nay con đi khám, bị giữ lại rồi, mẹ mang đồ vào cho con nhé” (Trời ạ, đi đến toilet chỉ có một dọc hành lang mà thật xa). Bố gọi điện cho bác H. (nhân viên trong viện, mẹ nhờ “dịch vụ” bác ấy lo cho mẹ con mình). Bố có ý chuyển máy cho mẹ nói chuyện với bác, xong quả thật mẹ chả thiết nữa, chỉ mong đến được cái toilet mà thôi.

Trong toilet

Thật buồn cười là từ khi sinh con mẹ đãng trí đi nhiều, sinh nhật bố, kỷ niệm ngày cưới mẹ còn quên, thế mà cái chuyện tiểu tiết trong “chốn khỉ” này mẹ lại rất nhớ.

Bệnh viện được coi là hàng đầu, nhưng cái toilet là một sự chế giễu. Người vào đây phải mất tiền hẳn hoi, có nghĩa là dịch vụ. Dịch vụ lẽ ra phải tốt. Tốt đâu chưa thấy, chỉ thấy là “bẩn kinh!”. Ừ thì mẹ đang trong tình trạng cấp thiết quá rồi nên bẩn cũng chịu, nhưng mẹ gần như tuyệt vọng khi cánh cửa duy nhất đến “thiên đường” lại đóng chặt - đang có người bên trong. Một cái toilet công cộng, thu tiền hẳn hoi, và chỉ có duy nhất 1 phòng (thật thà mà nói thì phải gọi là một ngăn) cho cái việc không thể đừng, và không thể chờ đợi được ấy! Mẹ giang tay đấm thùm thụp vào cửa với hy vọng người bên trong sẽ “thấy động” mà nhanh nhanh đi ra, bất kể cái giọng đanh đá vọng sang qua cánh cửa: “Từ từ đã chứ”. Bộ não của mẹ còn chưa kịp xử lý thông tin để xem xử trí thế nào đã nghe “cạch!”, tiếng cửa ra vào mở phía sau lưng. Một cái đầu trọc lốc cùng đôi mắt trắng dã láo liên thò vào! Bác phụ nữ trước mặt mẹ may kịp kéo qu*n lên khi vừa kết thúc cái việc “tè te tí”. Cả mẹ và bác ấy đều trợn mắt lên với “cái đầu trọc”, trong khí hắn vẫn “ngó” vài lượt nữa rồi thản nhiên đi ra cứ như thể ta đây nhầm phòng. Vậy mà lúc mẹ vào, dù rất cấp bách vẫn nhận ra đâu là phòng “Nam”, đâu là phòng “Nữ” đấy! Những gã biến thái hy vọng nhận được gì từ chỗ này nhỉ? 2 phân? 5 phân? Hay mở trọn?

Cuối cùng thì mẹ cũng tống tiễn được cơn đau quặn bụng do cái liều thuốc chết tiệt người ta bơm cho mẹ ra ngoài. Mẹ yên tâm xúng xính quần áo bệnh viện theo y tá cùng vài thai phụ nữa lên phòng sinh. Cứ ngỡ “thôi thế là yên tâm chỉ chờ đẻ”, điều mẹ không ngờ là, mọi nỗi kinh hoàng còn đang ở phía trước.

Chờ đẻ

Phòng đẻ ở tầng 3, nhưng bố phải leo thang bộ, chỉ có mẹ, cô y tá và những thai phụ còn lại được phép dùng thang máy. Lên tới nơi, đập vào mắt mẹ là cái hành lang nho nhỏ kê vài dãy ghế nhựa với rất đông người nhà đang chờ bệnh nhân bên trong làm công việc vinh quang là vượt cạn. Có người toát lên vẻ sốt ruột, lo âu, có người thản nhiên, điềm tĩnh ngồi đọc báo. Họ gặp nhau ở một điểm: Ai cũng bọc lớn bọc bé đũa bát, cặp lồng, nước, sữa v.v. bên cạnh. Nhìn bố là “tươm” nhất, vì bố chẳng “lỉnh kỉnh như đưa vợ đi đẻ” gì cả. Bố mặc bộ thể thao xanh đen, đi giày Nike, trông bố sáng ngời và “búng ra sữa” dù mặt cũng pha chút mệt mỏi. Mẹ vào phòng cách ly, dặn với bố rằng cứ yên tâm ngồi chờ, có gì mẹ sẽ điện thoại ra cho bố.

Khu cách ly sạch sẽ hơn nhiều, sàn lát gạch men trắng 30x30 sáng bóng như gương, mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Mẹ hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Thứ mùi bệnh viện mẹ đã quen nhiều, vậy mà vẫn không ngăn nổi cảm giác hồi hộp, lo lắng, đôi chút sợ hãi.

Lên phòng cùng đợt với mẹ là 2 cô nữa. Cả 3 người vừa “khám cấp cứu” dưới nhà cách đây chừng 5 phút. Lên trên này lại khám tiếp. Lên bàn, mẹ co rúm, mẹ rất sợ đau. “2 phân” - kết luận không có gì thay đổi. Họ bảo mẹ vào phòng chờ đẻ ngồi. Không chỉ dẫn gì thêm. Vào ngồi trong này, mẹ lờ mờ nhận ra, có lẽ còn phải đợi thế này lâu lắm...

Cái giường đầu tiên mẹ chọn để ngồi xuống là của một bác tên Hạnh. Bác ấy có vẻ ngoài to, béo nặng nề, ngồi ăn cơm điềm nhiên với thịt gà (mẹ chưa ăn sáng, mà cũng chẳng thấy đói. Mẹ không muốn ăn vì sợ phải đi toilet). Mọi hành động của bác ấy đều có vẻ rất thản nhiên - hẳn bác ấy quen với nơi này lắm. Sau trò chuyện mới biết, bác ấy vào đây đã 2 ngày rồi. Khám mở 2 phân, bị giữ lại, đến giờ cũng vẫn chỉ 2 phân!

Định thần quan sát, mẹ thấy nhiều thai phụ khác trong căn phòng rộng chừng 60 mét vuông, giường kê 2 dãy. Người đứng người ngồi, người mặt tươi tỉnh bình thường như mẹ và bác Hạnh, người nhăn nhó xuýt xoa, người rên rỉ lộ rõ cơn đau quằn quại. Hầu hết đều bị cách ly với người nhà. Chỉ trừ 1-2 trường hợp, có lẽ là “quen biết” nên có chồng hoặc mẹ đẻ bên cạnh.

Một cô dáng chừng mảnh dẻ, nhỏ nhắn, mặt nhăn nhúm, mắt nhắm nghiền, hai cánh tay xanh gầy guộc ôm lấy thành giường mỗi khi cơn gò tới. Cô ấy đã mở 4 phân, may mắn có chồng ở đó xoa lưng. Mẹ chợt nghe một cảm giác nhớ bố.

Chán cái khung cảnh ảm đạm trong phòng, mẹ đứng lên đi lại “tìm hiểu địa hình” và mong phát hiện chỗ có thể nhìn thấy bố. Phòng chờ đẻ thông với phòng hậu sinh (hay hậu sản gì đó, đại khái là cho những người vừa sinh con xong sang nằm). Hai phòng cách nhau một hành lang nhỏ, lúc nào cũng sáng choang mấy bộ đèn tuýp. Cũng cái hành lang nhỏ này quẹo phải sẽ dẫn sang một hành lang lớn khác, dài heo hút, bề ngang chừng 1m4, lúc nào cũng tối. (Chẳng bù cho cái hành lang đối xứng với nó, tức là hành lang bên trái phòng chờ đẻ, nơi có các phòng đẻ, lúc nào cũng sáng choang và sạch bóng). Đi đến cuối hành lang ấy mẹ thấy cửa ra vào. Cánh cửa này bình thường luôn khóa, chỉ mở hé đúng vài phút vào giờ thăm bệnh nhân. Những thời gian còn lại, người nhà và bệnh nhân trao đổi đồ qua một hốc nhỏ trên cánh cửa. Cũng nhờ cái hốc này mà mẹ có thể thỉnh thoảng chạy ra nhìn thấy bố và ông bà ngoại để tiếp thêm nghị lực.

Nói chuyện mẹ nhìn ra cái hốc trên cánh cửa, mẹ mừng lắm, vẫy bố liên hồi. Bố nhìn thấy mẹ thì hớn hở không kém. Mẹ bảo bố mua vài hộp sữa, chai nước và cuộn giấy cho mẹ. Với ngần ấy “của nả”, mẹ yên vị về phòng, “hiên ngang” bảo bố cứ về đi, vì mẹ còn lâu mới đẻ. Bố nói sẽ ở lại cho đến khi ông bà ngoại vào.

Cả buổi sáng như kéo dài đến lê thê. Mẹ sốt ruột bên trong, tin chắc rằng bên ngoài bố sốt ruột chẳng kém. Mẹ đi lại quãng đường ngắn ngủn từ phòng ra hành lang nhỏ, ra hành lang lớn, rồi lại hành lang lớn về hành lang nhỏ, về phòng không biết bao nhiêu lần, vì mẹ muốn nhìn thấy người thân, muốn bố thấy mẹ để yên tâm hơn.

Thời gian vẫn lê rất chậm, vài tiếng buổi sáng buồn thê thảm, dù mẹ đã cố trò chuyện với các cô “bạn cùng phòng” nhưng con ơi, mẹ thấy mình không bằng con chim bị nhốt trong lồng, ngột ngạt và bức bí, không ánh sáng mặt trời, không thấy người xe đi lại. Xung quanh chỉ có mấy bức tường, hành lang heo hút, đèn tuýp sáng choang, bóng áo trắng bác sĩ hòa cùng áo bệnh nhân, cùng mùi thuốc sát trùng vẫn bốc lên nồng nặc. Tiếng cười nói, chuyện trò của các y tá, hộ lý không giúp mẹ quên đi cơn thèm vô cùng thứ âm thanh hỗn độn của cuộc sống bên ngoài, cái cuộc sống mà mới chỉ sáng nay thôi mẹ còn nhởn nhơ trong đó. Lẽ ra giờ này mẹ đang đi ăn bún ốc với bố mới phải chứ! Tại sao mẹ lại vào đây? Lại chịu để người ta “nhốt” như thế này?

Mãi rồi cũng đến trưa. Bố nhắn tin bảo bà ngoại sẽ vào, mang cơm theo cho mẹ. Trong này họ chỉ cho người nhà vào thăm bệnh nhân ngày 3 lần, mỗi lần 30 phút, vào buổi sáng sớm, trưa và tối, giống như là cho đi thăm nuôi tiếp tế ấy. Và mỗi lần cũng chỉ 1 người nhà duy nhất được vào thôi.

Trước giờ thăm nuôi sẽ có 1 hộ lý đi ghi tên, tuổi của từng thai phụ, thành một danh sách. Danh sách này đến đúng giờ sẽ được xướng lên ngay bên cái cửa cuối hành lang, gọi đến tên thai phụ nào thì người nhà thai phụ ấy được vô.

Cái người làm chân “xướng tên” bình thường chỉ là hộ lý quét dọn vệ sinh, chăm sóc, thăm khám bệnh nhân không đến lượt, nhưng ở đây, lúc này, thì oai lắm, thét ra lửa! Quyền sinh quyền sát trong tay mà.

Những người nhà bệnh nhân, họ vào chốn này là phải choàng áo bệnh viện. Văn minh là thế, ai cũng nghĩ căn nguyên là ở đây người ta sinh con nên cần phải “tiệt trùng”. Thế nhưng tiện đường đi vào mà rẽ sang phải vài bước chân thôi, để đến được cái WC của bệnh nhân, thì ai cũng sẽ hiểu rằng bắt người nhà mặc áo bệnh viện “tiệt trùng” là điều không cần thiết.

WC chiếm một phần nhỏ trong dãy phòng dành cho nhân viên bệnh viện, nằm ở cuối hành lang, hơi chếch cửa ra vào. Người ta chia cái phòng này làm 2 “ngăn”, ngăn ngoài còn tương đối khô ráo, nhưng mẹ chẳng biết nó dùng để làm gì, vì không thấy ai đi sâu vào trong đó cả (chắc làm kho để đồ) hầu hết mọi người đi tiếp vào cái “ngăn” thứ hai.

Ngăn thứ hai, sàn lúc nào cũng ướt nhoét. Đập ngay vào tầm mắt là cái bồn rửa tay, cũng gắn gương bên trên đàng hoàng, nhưng cả gương và bồn đều ố vàng, cũ kỹ. Sát dưới bồn rửa tay, chệch chút về bên phải, người ta đặt một cái thùng nhựa to đựng nước. Có lẽ vì là “nước giội” nên cũng chẳng cần sạch sẽ vệ sinh làm gì, đáy thùng cặn rêu bám kha khá, vàng xỉn. Mẹ chợt nghĩ, vẫn cái thùng nước này, chẳng may mất nước, có khi cũng được đem ra dùng tạm để bệnh nhân… đánh răng!

Điều làm mẹ hài lòng nhất ở đây có lẽ là khu vực đi tiểu, cao hơn sàn nhà tầm 10 phân, lại có 2 đôi gạch, mỗi đôi kê hình chữ “V” để giẫm chân lên đàng hoàng, mà gạch thì tương đối khô - cái hài lòng nó nằm ở chỗ đấy!

Tiến sâu một chút vào trong, mẹ con mình sẽ đến được khu vực kinh hoàng nhất. Cái bồn cầu, lớp men đã tróc lở, chỉ còn để lại những mảng đen nâu nham nhở. Cái hố bên dưới càng không thể khá hơn, vàng tởn, quả thực chỗ này gợi cho người ta cái cảm giác gờn gợn đến lợm họng. Những thai phụ, được thăm khám chán chê đến độ ra máu rồi sẽ vẫn phải vào đây nếu tình hình “cấp thiết”.

WC bệnh nhân là thế, song mẹ cũng như mọi người, vẫn phải “đi”, sáng vẫn phải đánh răng rửa mặt. Vừa đánh răng vừa nghe cái mùi amoniac “thơm” nồng ngai ngái, vừa ngắm cái thùng rác chứa đầy thể loại giấy… Mẹ ngỡ mình đang nghén tập 2.

Quay lại chuyện buổi trưa bà ngoại xách cặp lồng vào với mẹ. Mặt bà rất nghiêm trọng, như đi chăm người ốm! Mà mẹ có ốm đâu. Bà bắt mẹ ăn hết cặp lồng cháo, mẹ chỉ ăn được chút xíu. Cái “tâm bệnh” của người bị “cầm tù” khiến mẹ không tài nào nuốt nổi. Mặc dù vậy, mẹ thấy vui hơn khi được nhìn thấy bà. Ít ra đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi trong ngày căn phòng này có thêm chút sinh khí do bên ngoài đem lại. 30 phút thăm nuôi trôi qua rất nhanh. Mẹ tung tăng tiễn bà ra ngoài, miệng cười vẫn tươi nhưng trong lòng tủi thân muốn khóc.

Chiều.

Buổi chiều trôi qua vẫn chậm chạp như vậy. Mẹ đã quen hơn với cảnh trong này. Có đôi lần mẹ chủ động gọi điện cho bác H., rồi bác ấy gọi điện hỏi thăm mẹ, song vì tình hình không tiến triển gì thêm nên bác ấy không vào. Cho đến giờ mẹ cũng không thể hiểu nổi mình đã làm những gì cho qua đi cái thời gian mấy tiếng đồng hồ trong căn phòng bệnh viện ấy, giữa những người phụ nữ nặng nề như mẹ, người nằm kẻ ngồi, người thản nhiên đi lại từ phòng chờ đẻ ra hành lang nhỏ, ra hành lang lớn, rồi lại hành lang lớn về hành lang nhỏ, vào phòng. Đi lại cho thai tụt nhanh, đi lại để được nhìn thấy người nhà, đi lại cũng bởi ngoài việc đó ra họ chẳng biết làm gì hơn nữa.

Mẹ kiếm được một cái giường ở quãng giữa phòng không còn ai nằm. Đấy là giường “của mẹ”. Thế rồi có một chị chừng 27 tuổi mới vào (Gab gọi là bác nhé). Chị ấy không quá xinh đẹp, nhưng ở chị ấy toát lên một vẻ gì đó ưa nhìn, khiến người đối diện rất có thiện cảm, mái tóc cắt vuông tỏa ra một mùi hương dễ chịu. Mẹ chạnh lòng, chị ấy đã chuẩn bị sinh con rất kỹ. Còn mẹ thì, mẹ chưa được tắm, đầu cũng chẳng còn thơm.

Mẹ mau chóng “kết thân” với chị ấy. Hai bà bầu nằm chung một giường trò chuyện với nhau. Chị ấy cũng mang thai là con gái. Chị ấy cũng đang mở 2 phân nhưng ít ra còn có những cơn gò. Chị ấy chịu khó đi ra đi vô, đến khoảng 2 giờ thì vỡ ối. Mẹ tặng chị ấy một cái... bỉm. Một lúc sau người ta cho chị ấy nằm chạy monitor giường bên cạnh, trông chị ấy đau lắm, còn mẹ chẳng giúp gì được. Nhưng mẹ ước rằng mẹ cũng được như thế, để không còn phải ở trong cái chốn này lâu. Tiếc rằng mẹ không nhớ tên người bạn cùng giường này, cũng chẳng lưu lại số điện thoại. Mẹ nghĩ gặp nhau âu cũng là duyên số, chị ấy với mẹ có 2 cô con gái sinh liền ngày với nhau.

Cũng trong viện mẹ quen với 3 bà bầu nữa - hội “những người cùng cảnh ngộ”, đều bị giữ lại trong này mà chưa biết đến ngày sinh con. Bác nhiều tuổi nhất là bác Hạnh mẹ đã nói ở trên, còn một cô tên Dung (bằng tuổi mẹ) và một bác tên Thùy. Mẹ muốn nói nhiều hơn với Gab về bác Thùy. Bác ấy bị tim, thai 37 tuần nhưng đi khám bị người ta giữ lại. Bác ấy bệnh tim, nhưng trái tim bị tật của bác ấy biết yêu thương hơn hết thảy những người khác trong phòng, nó đặc biệt tỏa sáng trong cái nơi mà tình thương dường như còn rất ít.

Mẹ nhớ có 1 cô nhập phòng khi đã mở 5 phân, cô ấy nằm chạy monitor, bụng gò lên căng cứng, gồ ghề, và cô ấy đau ghê gớm. Những người mang bầu, bình thường đang nằm muốn ngồi dậy đã là rất khó. Cô ấy không chỉ đang mang bầu, cô ấy còn vào cơn đau đẻ. Một y tá hộ lý gì đó yêu cầu cô ấy ngồi dậy để sang phòng đẻ, nhưng cô ấy không thể dậy được. Cô ấy chỉ có một mình. Cô ấy van xin: “Chị ơi em đau quá, chị mở cửa cho người nhà em vào đỡ em dậy”. Cô y tá không đồng ý. Cô ấy lại van lơn: “Chị đỡ em dậy với” song y tá không hề nhúc nhích chân, còn nói cô ấy rằng “tự dậy đi, đẻ ra đến nơi rồi không ai chịu trách nhiệm đâu đấy!”.

Thai phụ loay hoay mọi cách trong khi người y tá kia chốc chốc lại giục, cô ấy không dậy nổi. Cuối cùng người tiến đến đỡ cô ấy dậy là bác Thùy. Mẹ cũng ở đó. Mẹ cũng muốn làm được như vậy. Nhưng đôi phút lưỡng lự, mẹ đã không làm. Mẹ sợ người ta mắng mẹ, để rồi lúc bác Thùy tiến tới đỡ cô kia là lúc mẹ cảm thấy vô cùng xấu hổ. Mẹ của con, có lẽ cũng như nhiều người khác, mới chỉ biết nhỏ vài giọt nước mắt xót thương chứ chưa làm được gì cho ai cả.

Cũng bác Thùy là người đã giúp mẹ thực hiện trót lọt phi vụ “tắm trộm” trong phòng tắm của nhân viên bệnh viện. Mẹ Gab có lẽ chưa bao giờ liều như thế, cái mong muốn được sạch sẽ trước lúc sinh con, nỗi khiếp sợ về một cơ thể sắp phải kiêng đến cả tháng không nước nôi, cái e dè khi nghĩ đến cảnh bị bố và Gab “tẩy chay” vì đầu tóc người ngợm toát ra… mùi cú đã giúp mẹ “dũng cảm” như vậy đấy!

Buổi tối trôi qua trong yên ả khi bố vào với mẹ, mang cả Ipod cho mẹ xem phim, nghe nhạc. Nhưng mẹ đau đầu và mỏi mắt quá, chẳng còn hứng thú gì. Mẹ chỉ mong được ở bên bố, được về ngủ cạnh bố cho đến hết đêm thôi.

Đêm

Là đồng hồ của mẹ báo vậy, chứ trong chốn sinh nở này, khái niệm thời gian dường như không tồn tại.

Hầu hết mọi người đã đi nằm, ai cũng cố chợp mắt một lúc, nhưng căn phòng 60 mét vuông vẫn đèn tuýp sáng choang (bệnh nhân không được phép tắt đèn). Vẫn cái hành lang nhỏ thông sang phòng hậu sinh, vẫn những ô gạch trắng toát 30x30 làm thành nền nhà sạch bóng, khác chăng chỉ là những khuôn mặt y bác sĩ và hộ lý. Họ đã đổi ca rồi.

Trong các thai phụ lác đác vài gương mặt lạ. Đây là những ca mới chuyển vào. Vài người mẹ thấy “quen” giờ sang bớt phòng bên kia, họ may mắn mẹ tròn con vuông rồi con ạ (dù có khi còn vào sau cả mẹ). Từ chiều mẹ ngồi bên phòng này ngóng sang ngắm những người mẹ gượng mình cho con bú, có người thân kề bên (vẫn chỉ 1 người nhà vào chăm sóc thôi), mẹ thèm được như vậy lắm.

Những người mẹ ấy, sau chuyến sinh nở, cơ thể họ mềm yếu trong áo váy bệnh viện trắng toát, lẫn vào màu trắng ga trải giường càng khiến họ gầy gò, xanh xao, nhỏ bé hơn. Nhưng bên phòng ấy toát lên vẻ bình yên, cái vẻ bình yên hoàn toàn khi giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua. Giờ đây, đối với họ, có lẽ chỉ tồn tại một niềm hạnh phúc lớn lao duy nhất: Được ngắm nhìn em bé.

Rồi mẹ cũng sẽ được sang ấy nằm như thế, có một em bé là Gab đặt ngay bên cạnh, để mẹ có thể ngắm nhìn và khóc, để mẹ cho ti… Em bé của mẹ chẳng biết trông sẽ thế nào? Thì bé xíu xiu, nhưng xinh xắn, mắt to, miệng xinh, da trắng… Hai phòng đối diện nhau, mà “vị thế” cách nhau xa quá. Mẹ chắc không phải người duy nhất nhìn sang bên ấy để khao khát, để thèm.

Quẩn quanh với ý nghĩ, mẹ giật mình khi phòng đang yên bỗng nhốn nháo hẳn lên. Có vài ca cấp cứu. Cái giường của mẹ, vì là ở giữa phòng, lại nhìn ngay ra cửa phòng đẻ, nên từ đây, mẹ có thể quan sát được hết. Có 2 ca sinh khiến mẹ thực sự sốc, đầu đã ong ong choáng váng vì thiếu oxy nay lại càng “xì trét” hơn.

Thai phụ mới chuyển vào trong tình trạng tử cung mở gần hết rồi mà… ngôi thai ngược! Cô ấy 37 tuổi, sinh con rạ, dáng người nhỏ bé được đẩy lên đây trong chiếc xe lăn, mái tóc dài xõa xượi bê bết mồ hôi. Cả ê kíp đêm ấy, nếu trước đó vẫn đang quây quần bên bàn trực tán phét, thi thoảng cười rú lên bất chấp tiếng gào thét van xin được mổ vì đau quá của một thai phụ khác trên bàn đẻ, thì giờ nhốn nháo lao đến khi nghe có tiếng thét vội: “Gọi bác sĩ! Gọi bác sĩ mau! Thấy cả chân (cô bệnh nhân bên cạnh mẹ thì quả quyết là “chim”) rồi đây này!”.

Những bóng áo blouse trắng xúm vào che mất tầm mắt, mẹ không còn nhìn được cô ấy nữa, chỉ nghe tiếng y tá thất thanh: “Khép chân vào, khép chân vào! Không được rặn!”. Rồi người ta hỏi cô ấy siêu âm ở đâu? Ngôi thai ngược thế này mà sao không thấy hồ sơ ghi gì cả! Rồi họ chửi cái tay BS siêu âm cho cô ấy. “Ai siêu âm đây? Làm ăn thế này có chết người ta không...”. Tội nghiệp cô ấy. Người bệnh chỉ biết tin tưởng có mỗi bác sĩ thôi. Cô ấy đi khám, lúc người ta nói ngược, lúc người ta nói thuận. Như chính cái viện này này, lúc siêu âm, người ta nói “thuận” cho cô ấy…

Bác sĩ ca trực chỉ định mổ ngay lập tức. Họ chuẩn bị rất nhanh để đưa thai phụ lên phòng mổ ở tầng trên. Mẹ không biết số phận người phụ nữ ấy, và cả em bé của cô nữa, sẽ ra sao. Nhưng như một niềm tin mãnh liệt, mẹ biết rằng họ sẽ sống.

Ca cấp cứu thứ hai vào một cái cũng lên bàn đẻ luôn. Nhưng cô ấy ở trên đó quằn quại rên rỉ mãi mà không mở thêm được phân nào cả. Em bé của cô ấy “hành” cô ấy ghê lắm. Cô ấy gào khóc vang một góc khu nhà, cô ấy gọi “Mẹ ơi”, cô ấy gào lên rằng “con đau quá”. Mẹ nhắm mắt mà cảm thấy tim mình muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, đầu đau như búa bổ trong khi thứ âm thanh kia vẫn bám riết lấy, không tài nào xua đi nổi, vì cô ấy vẫn không ngừng la khóc, kêu rên.

Người ta nói với cô ấy rằng chưa đến lúc đâu, đừng la hét nhiều mất sức. Nhưng cô ấy không làm được vậy. Cũng chẳng ai đến bên cô ấy cả. Phải mất một lúc lâu mới thấy bác sĩ tới. Đến lúc rồi. Họ bảo cô ấy rặn đi, nhưng cô ấy làm sao còn đủ sức. Rồi người ta hội ý với nhau, bác sĩ bảo y tá lấy ra thứ dụng cụ kim loại to (hình như 2 cái), hình thù gần giống như cái xẻng cong ấy. BS đưa dụng cụ vào, kẹp, xoay, nhẹ nhàng và thuần thục lôi được đầu ra, rồi toàn bộ người em bé cùng một đống dây nhợ lòng thòng bê bết máu…

Em bé hơn 4kg, trông quả thực như miếng thịt vô tri vô giác tím hồng, mắt nhắm, người cong trong tư thế không khác gì mấy so với cái tư thế vẫn nằm trong bụng mẹ. Một lúc sau thì mẹ nghe tiếng em bé ấy khóc, một dòng sự sống đã bắt đầu. “Miếng thịt” đổi sắc, không còn tím, mẹ nghĩ nó đã có thêm cái người ta vẫn gọi là “linh hồn”.

Khu bệnh viện trở lại im ắng, không còn tiếng sản phụ la khóc. Giai đoạn đau đớn vật vã nhất của người mẹ đã qua.

Từ ấy về sáng khu nhà có vẻ yên ắng hơn. Bác Thùy vẫy mẹ sang giường bác ấy cùng nằm. Giường của bác kê ở góc phòng, không bị người qua lại, có thể tắt đèn mà không lo ai tinh mắt phát hiện ra. Tối hơn và tĩnh hơn, mẹ nghĩ mình có thể ngủ được. Nhưng hai bà bầu chen nhau vào một chiếc giường cũng khó khăn lắm. Bụng nặng, mẹ hay muốn giở mình, nhưng hễ giở mình lại sợ động vào làm bác Thùy thức giấc. Đầu vẫn căng như dây đàn và đau, giật khủng khiếp. Mẹ cứ trằn trọc mãi, tầm 3 giờ sáng thì thiếp đi.

4 giờ kém 15 đã có người vào gọi mẹ ra… khám. 7h kém 15 - khám, 7h 15 - lại khám! 2 lần khám liên tiếp cách nhau có chừng 30 phút đồng hồ, nguyên do là người ta đổi ca, ca cũ khám ra (khám để khóa sổ đi về ấy), ca sau khám vào (khám tiếp nhận hồ sơ). Càng những lần sau nghe nói đến “khám” mẹ càng thấy chột. Cảm giác đau rát cứ tăng dần, nút nhầy tử cung bắt đầu bong…

Mẹ gọi điện cho bác H nói rằng mẹ không thể chịu nổi trong này thêm một lúc nào nữa. Rằng mẹ muốn được về nhà ngay, vì cho đến lúc này tình hình của mẹ vẫn không có gì thay đổi, không mở thêm được một milimét nào cả! Bác ấy tìm cách trấn an mẹ, bác ấy nói rằng cố gắng chờ thêm, vì bây giờ cũng không xin ra được nữa, không ai dám để cho mẹ về… Mẹ lại dằn lòng kiên trì thêm chút nữa. Hai lần cho thân nhân vào lúc sáng sớm và trưa có lẽ là nguồn động viên duy nhất của mẹ. Mẹ được nhìn thấy bố, rồi ông ngoại của con.

Trưa mẹ không ngủ. Chiều lại đi loanh quanh dọc các hành lang. Tính từ lúc vào đây, mẹ gần như thức trắng, căng thẳng và khao khát bao nhiêu cuộc sống bên ngoài. Đang đi lại tha thẩn thì mẹ thấy bác H. Hồi sáng bác ấy có tạt qua nhưng đi luôn. Sau cú điện thoại của mẹ, giờ bác ấy lại ở đây, liệu có mang lại tương lai gì sáng sủa hơn cho mẹ con mình?

- “Ra đây với chị. Chị nhờ anh T. khám lại cho xem đã thêm được phân nào chưa” (Ôi trời ơi lại khám!)

Thoáng co rúm người, mẹ lại nhanh chóng lấy lại dũng khí. “Biết đâu đây là cơ hội để mẹ được… đẻ”.

Mẹ lên bàn. Bác sĩ đưa tay vào ngoáy một hồi, bàn bạc gì đó rất “chuyên môn” với bác H. Đại loại “2 phân, mềm rồi đây này… dày thế này cơ mà (mẹ chẳng hiểu cái gì dày đâu), thảo nào con không xuống được… ca này thì có mà đến mai cũng chưa đẻ được…”. “Cắt ối được chưa?” - “Ừ, cắt được rồi”. Rồi Bs một tay cầm kéo, một tay kéo kéo cái gì đấy trong bụng mẹ căng tức, rồi cắt nghéo một cái. “Bụp!”, nước ra xối xả xuống cái khay nhôm hứng bên dưới, tràn cả sang hai bên đùi mẹ. Bụng mẹ có nhẹ đi đến vài phần. Bác H bảo đấy là nước ối. Có cái gì đó dồn xuống mẹ tưng tức, như thể con đã tiến gần hơn đến cánh cửa mở ra thế giới của cuộc sống. Mẹ lờ mờ nhận ra mình sắp bước vào cơn đau đẻ thực sự. Bác H. bảo mẹ đi vệ sinh thân thể đi, rồi quay lại bàn đẻ. Mẹ hơi sợ, cả hồi hộp nữa. Đây là giây phút mẹ đã trông đợi suốt mấy chục giờ trong này rồi. Nó đang đến, mẹ có lý do gì để sợ đâu? Nghĩ vậy mẹ vững tâm dấn bước về phía khu vệ sinh.

Nhưng mẹ thấy tình trạng của mình thế này rồi mà vào khu vệ sinh bệnh nhân thì sợ nhiễm trùng lắm. Vài giây cân nhắc, mẹ quẹo về khu nhà tắm của nhân viên. Hôm qua mẹ đã “tắm trộm” trót lọt ở đây, chắc lần này cũng thế. Hỡi ôi, lần này thật không may cho mẹ…

*************

Vừa cởi bỏ được hết bộ đồ bệnh viện ra khỏi người, mở vòi xối cho nước ối bám trên đùi đi hết, mẹ nghe tiếng một bà hộ lý già nói oang oang: “Cái Z. ở trong này đấy hả?”. Ngăn bên cạnh mẹ có tiếng trả lời: “Vâng ạ”. “Không bên này cơ mà” (Cửa bắt đầu bị đập bùm bùm).

- Cháu ở trong này cô ạ. Cháu là bệnh nhân, vừa chọc ối rồi. Cháu sắp lên bàn đẻ, cô cho cháu vệ sinh thân thể nhờ một chút - Mẹ bối rối lên tiếng.
- GÌ? AI? Bệnh nhân à? Ai cho bệnh nhân vào trong này? Mở cửa ra! (Mụ già bắt đầu lên giọng toang toác).
- Cháu sắp lên bàn đẻ rồi cô ạ. Cô cho cháu nhờ chút, cháu là em chị H… - mẹ không mở cửa.
- H. nào?
- Chị H. khoa K cô ạ
- À cái con H. à? Tao còn lạ gì cái con đấy. Xấu như ma, mắt xanh mỏ đỏ. Mà mò sang đây làm gì lắm thế. Người nhà gì vào đây? Bảo nó tao báo cáo lên hội đồng đấy nhá!
- Vâng thôi, cháu xin lỗi cô. Cô cho cháu nhờ nốt một tí, cháu sắp đẻ rồi cô ạ…
- Cái mồm cứ xoen xoét y như cái con H. ý!

Mẹ vẫn kiên quyết không mở cửa mà tiếp tục ở trong xối nước. Mụ già tức tối chửi bới một hồi rồi đi ra. Mụ vừa đi khỏi là mẹ cũng nhanh chóng mặc đồ bước ra ngoài.

Ra đến ngoài mẹ thấy ngay bác Thùy, bác Hạnh và cô Dung đứng đợi. Ba người tỏ vẻ rất ái ngại: “Mụ ý mắng em đấy à” - “Vâng. Em đi đẻ đây, em bị chọc ối rồi”. Mẹ chỉ kịp nói với các cô, các bác ấy có thế rồi quày quả đi về phòng đẻ số 5.

Lại trèo lên bàn. Người ta cho mẹ chạy monitor để theo dõi cơn gò, nhịp tim mẹ, bé. Một cô trẻ trẻ đoán chừng là y tá, cũng son phấn đầy mặt, vào chọc ven tiếp nước cho mẹ. Chọc mãi, ngoáy mãi chả tìm được ven. Vừa chọc cô ấy vừa càu nhàu: “Ven gì mà thế này!”, rồi lại ngoáy, lại chọc. Rút kim ra rút kim vào mấy lượt, chọc thêm mấy nhát nữa cô ấy toát cả mồ hôi, càng thêm tức tối: “Người gì mà ven thế này! Chị C. ơi, giả người nhà cho chị đây này! Người gì chả thấy ven đâu cả!”. Cô ấy rút kim, đi sang bàn đẻ bên cạnh nơi có sản phụ khác đang nằm chờ, vẻ thiếu kiên nhẫn lộ rõ trên nét mặt.

Còn lại mẹ tênh hênh một mình, nghĩ người ta cáu mình thật vô lý. Cô ấy không lấy được ven đâu phải lỗi của mẹ. Cái ven mảnh trời sinh. Bác H. lúc trước đứng đây nhưng vừa chạy đi thay quần áo…

Lấy được ven cho sản phụ kia, cô y tá quay lại chỗ mẹ. Lần này cô ấy chọc ven bên tay kia. Lạy giời thương, “một nhát ăn ngay”. Cái tay bên vỡ ven bắt đầu loang tím.

Mẹ được truyền thuốc giục sinh. Vừa tiêm vào đường truyền tí mà thấy ngay… hậu quả. Mẹ bắt đầu bị gò. Khi cơn đến, mẹ bụng đau. Một cảm giác tưng tức dồn xuống dưới lưng, xuống hai bên đùi. Lúc đầu còn đau nhẹ rồi hết. Sau các cơn xuất hiện nhiều hơn, quặn lên. Mẹ bắt đầu kêu. Bố gọi điện vào mẹ chỉ muốn quẳng luôn cái máy. Bác H. đưa máy của mẹ cho mẹ, mẹ nói “em không nói chuyện đâu” rồi lại hít hít thở thở “hứt hứt phù”. Bác H. nói với bố: “Nó bảo nó đau nhé, không nói chuyện được đâu”. Có bác ấy đứng bên cạnh, mẹ yên tâm phần nào.

Nhưng đau quá, sao mà đau thế này cơ. Mỗi lúc cơn đến là lại quặn, dồn thúc một cảm giác ghê gớm xuống lưng, xuống đùi. Hai chân mẹ run lên vì mỏi, nặng quá cơ, mẹ như không còn đủ sức để nâng giữ đùi nữa. Mẹ chỉ muốn gồng người, gồng người để chống chọi lại cơn đau. “Phải kiềm chế, nhất định không được gồng” - mẹ tự nhủ, vì nếu gồng sản phụ sẽ đau hơn, chưa kể làm nguy đến tình trạng em bé. Em bé có thể trụy tim.

Mẹ chẳng biết mình đã hít hít thở thở qua được mấy cơn, song người giờ đẫm mồ hôi, có lúc hai bàn tay co quắp lại không duỗi ra được. May mắn thay, sau khi được truyền thuốc, các cơn gò của mẹ đến rất nhanh, xuất hiện ngày càng mau, vì thế mà tử cung chẳng mấy đã mở trọn.

Nghe mẹ nói muốn rặn quá rồi, kiểm tra thấy mở hết, các y tá, bác sĩ đều ngạc nhiên. Họ cứ nghĩ mẹ sẽ là người sinh em bé sau cùng so với những ca cùng lên bàn đẻ lúc ấy. Cái cô trẻ trẻ chọc ven lúc trước hóa ra cũng là người đỡ đẻ cho mẹ luôn. Giờ thì cô ấy có vẻ nhiệt tình và tử tế hơn. Cô ấy bảo mẹ lấy hơi đi, rồi rặn. Cô ấy làm cái động tác gì đó vuốt vuốt nhanh và mạnh lên bụng mẹ, mẹ thấy bụng như co lại, chồi lên, (chắc cô ấy vừa phát vào mông Gab để Gab biết đường mà chui ra cho nhanh hơn rồi). Thế là mẹ rặn. Đến lúc rặn lại hết buồn. Mẹ chẳng thấy ra được cái gì cả. Em bé của mẹ hình như là to lắm, không ra nổi. Mẹ nhăn nhó, rồi dồn hết cả hơi…

Mẹ bỏ cuộc. Thấy mẹ nghỉ, cô đỡ đẻ (đến giờ thì chẳng biết cô ấy có phải y tá hay không) cùng mấy hộ lý xung quanh bảo bao giờ muốn rặn thì nói với họ. Họ bảo mẹ thở đi, dồn hết hơi vào, ngỏng mông lên, ấn cằm xuống ngực mà rặn (ấn cằm xuống như thế để hơi không bị ra hết). Mẹ lại rặn, rặn mãi chẳng ra, mồ hôi túa ra đầm đìa. Mẹ lải nhải: “Ra đi con ơi… Chị ơi em chết mất”, rồi lại bỏ cuộc. Cô đỡ đẻ mắng mẹ là “Này! Em không được nói gở nhé. Dồn hết hơi rặn ra đi nào, nắm tay chắc vào cổ chân ấy, sắp ra rồi…”. Mẹ nghĩ cứ thế này khéo mà con chết ngạt trong ấy mất thôi. Cô đỡ đẻ nong hết cỡ cửa ra cho em bé, rồi cô ấy cầm kéo cắt nghéo một cái, mẹ chẳng thấy đau gì. Mẹ rặn lần cuối. Rặn hết sức thì thôi. Mím chặt môi, nhắm tịt mắt, cúi gằm đầu xuống, ngỏng cao mông lên (tư thế rất chuyên nghiệp)… Bỗng mẹ nghe cái gì đó nong nóng mềm và ướt trôi tuồn tuột ra bên ngoài. Bé con đã chào đời. Bụng mẹ nhẹ bẫng, chẳng tròn như quả bóng nữa, giờ phèo phòi một đám lùng nhùng.

Gab của mẹ (Vũ Trần Huyền Anh) từ bụng mẹ chui ra ngoài, người trắng hồng những sáp. Lúc đầu con cũng chỉ như cục thịt hình hài một ấu nhi, sau cô y tá mang con ra thông đờm nhớt, mẹ mới bắt đầu nghe tiếng con oe oe khóc. Cô ấy mang con ra cân. “Ba cân sáu!” - cô y tá thông báo. Mọi người trong ca đỡ trầm trồ “mẹ giỏi quá, con to thế này mà rặn ra được”. Rồi họ khen con có làn da rất trắng và rất đẹp…

Mẹ như quên hết bao mệt nhọc, nằm im nhìn ngắm con đang được cô y tá lau người, quấn tã, vẫn nhận thức được rằng mình vừa nói lời cám ơn bác sĩ. Con khóc cũng to lắm, oe oe ầm cả phòng. Người ta đặt con lên một chiếc bàn nhỏ xíu trong góc phòng. Lúc này con đã “tươm” hơn trong tã lót bệnh viện. Hình như được bọc chặt mang lại cho con cảm giác an toàn, con nằm ngủ im bên một bạn nhỏ khác.

Tưởng đi đẻ thì lúc rặn đẻ là đau nhất. Song với kinh nghiệm này của mình, mẹ quả quyết là không phải. Đau nhất là lúc các cơn gò đến, và đau trên cả nhất là lúc bị khâu! Bác sĩ có giải thích với mẹ rằng vì con to nên mẹ bị rách nhiều. Bác ấy khâu mãi chẳng xong. Vài mũi đầu không hiểu còn thuốc tê hay các cơ quan tạm thời mất cảm giác, mẹ không cảm nhận gì lắm. Một lúc sau thì ôi thôi, khâu đến đâu biết đến đấy. Mỗi khi mũi kim nhói xuyên qua là mẹ lại cứng đơ, gồng hết cả người, rụt hết cả lại. Bác sĩ có lúc tỏ ra bực mình “em cứ thế này chị không làm được đâu”. Mẹ lại cố cắn răng chịu đựng để bác ấy làm cho xong. Vẫn phải công nhận rằng mẹ như thế đã là cực kỳ hợp tác. Có thể vì mẹ của Gab đã quá quen với đau đớn rồi.

Mẹ được người ta đẩy xe về phòng hậu sản, không ý thức gì về thời gian nữa. Vì có người quen là bác H nên cả bố, ông ngoại và bà ngoại đều được cho vào với mẹ. Ngay sau khi mẹ yên vị trên giường được một lúc, bác H. bế Gab ra. Bố đón tay con đầu tiên, rất lóng ngóng. Rồi bà ngoại bế, rồi con được đặt nằm bên mẹ.

Lúc này đây mẹ mới được nhìn sát mặt con. Gab đáng yêu đang say ngủ, sao mà... xấu xí thế! Cái miệng nhỏ chím, đỏ như son, trông lại như hơi méo. Mắt thì như sợi chỉ, không mí, không lông mi, toét nhoẻm toét nhoèm. Cái mũi lấm tấm mốc. Mũi thì thôi rồi, vừa to vừa tẹt hếch, y chang cái mũi của bố. Xấu quá thể! Không mắt bố, không mũi mẹ, thế này là “toi cơm”. Được cái da Gab căng, đỏ hồng như sáp. Ngón tay ngón chân dài… Cả nhà an ủi. Dù có chê con hết lời mẹ vẫn phải nói rằng, con cực kỳ đáng yêu.

Một lúc sau người ta bắt đầu mở cửa cho người nhà vào thăm. Ông bà nội Gab cũng vào. Không quá vồn vã, nhưng mẹ biết ông bà rất vui. Gab là cháu nội, cũng là đứa cháu đầu tiên của ông bà đấy!

Đêm thứ 2 trong viện

Đã khá hơn đêm trước rất nhiều. Mẹ được chuyển sang khoa Dịch vụ của bác H, một mình một phòng, thái độ y tá bên này cũng nhẹ nhàng lịch thiệp hơn. Hai ngày một đêm gần như không chợp mắt và căng thẳng, đến giờ khi đã sinh con xong và có người thân bên cạnh, mẹ mới thấm mệt, nghĩ rằng mình có thể đánh một giấc thật ngon đến tận trưa hôm sau.

Chẳng ngờ đêm ấy vết khâu bắt đầu cắn đau quá, mẹ liên tục cựa mình. Nằm nghiêng nằm ngửa, nằm tư thế nào cũng đau. Mỗi lúc giở mình lại đau thêm chút nữa. Con thì bắt đầu khóc, hẳn là con đói. Nhưng chẳng có sữa ở đây. Lúc chập tối bố bảo về mua sữa, nhưng giờ nửa đêm chẳng thấy quay lại, chắc là yên tâm cầm hộp sữa về nhà đánh một giấc no rồi.

Bà ngoại mắc bệnh cằn nhằn, cứ mang mẹ ra mà nói: “Tao chẳng hiểu chúng mày nuôi con khoa học kiểu gì, để cháu tao khát sữa…”. Mẹ cố cho con ti nhưng mà con không ngậm được vú, cứ mút mút vài cái lại tuột cả ra. Con lại khóc, lưỡi cong, hàm rung lên bần bật rất chi là ghê gớm. Bà ngoại không biết vì lý do gì không dám cho con đi bú trực, lại cho con nhấm nước lọc, miệng không ngớt làu bàu. Mẹ ấm ức lắm rồi nhưng vẫn phải nói át đi: “Không sao đâu mà, em bé khi ra đời có thể chưa cần ăn trong vòng 1 ngày đầu, vì dinh dưỡng lấy từ cơ thể mẹ vẫn còn…”. Xong quả thực, nhìn con khóc mẹ cũng xót xa, mong đến sáng để bố vào mang sữa. Vết khâu vẫn cắn rứt nhấm nháy, lại một đêm không yên ngủ.

Chưa đến 6 giờ sáng mẹ đã tỉnh ngủ, gọi điện cho bố bảo vào sớm mang sữa cho con. Bố vào chơi với hai mẹ con để bà về nghỉ. Ngày hôm nay trong viện qua đi thật nhẹ nhàng. Bởi mẹ không còn đơn độc. Mẹ có Gab yêu nằm cạnh, có bố, có ông bà ngoại, ông bà nội, bà Anh và cả các cô Mi V, H., D ghé thăm nữa.

Vì muốn được sớm về nhà mẹ bảo bố gọi bác H. tới làm thủ tục cho 2 mẹ con ra viện ngay. Kỷ niệm đáng nhớ là ngày bồng Gab về nhà, mẹ được diện bộ cực kỳ xì-tin, chưa bao giờ xì-tin hơn thế. Ấy là nhờ công của bố: Bố mang áo cho mẹ nhưng lại... không mang quần! Mặc cho mẹ cau có càu nhàu, bố vẫn cứ khăng khăng đấy là váy, và rằng mẹ mặc áo, đi tất cao trên gối, mặc áo khoác dài ở ngoài như vậy trông thật xinh!

(Trích tập truyện "Nàng dâu chân ngắn" của tác giả Huyền Trang và Hùng Anh xuất bản năm 2011, truyện cũng đã được đăng trên báo điện tử Dân trí, đăng ngày 13/2/2011)

1 comment:

  1. Bài viết hay !
    ------------------------------------------------
    Blog ÁO KHOÁC BẦU ĐẸP VÀ RẺ MUA Ở ĐÂU TPHCM
    Web: http://aokhoacbau.blogspot.com/
    Xem thêm các mẫu áo khoác bầu đẹp và rẻ mua ở đâu tphcm : Đầm bầu giá rẻ online
    Xem them cac mau ao khoac bau dep va re mua o dau tphcm : Dam bau gia re online

    ReplyDelete