Wednesday, January 31, 2007

Lobby - Hợp pháp hay bất hợp pháp ?

Chủ đề chính trị được coi là khô khan, và thực tế là nhạy cảm khi người ta nói chuyện hay đề cập đến. Với người Mỹ mới thì dễ dàng hơn, một chút, khi họ có thể luôn miệng thốt lên: "I hate Bush!" (Tôi ghét ông Bush) còn những con người đến từ Anh Quốc hay Tô Cách Lan (Scotland) thì điều tốt nhất để nói chuyện liên quan đến chính trị là bàn về thời tiết ở Iraq bây giờ thế nào, chứ không nên động tới vấn đề chính phủ. Bởi nếu bạn hỏi một người già đến từ Anh Quốc: "Thưa ông, ông nghĩ thế nào về thủ tướng Tony Blair ?" thì họ sẽ gạt mà rằng: "Tôi không thích nói đến chính trị". Còn đối với một người thế hệ sau này của cả Mỹ hay Anh Quốc, bạn sẽ nhận được câu trả lời: "Tôi không biết, mà tôi cũng chẳng quan tâm!".

Sau một thời gian khá bận rộn, hôm nay tôi sẽ quay lại chủ đề Chính trị, với topic "Lobby - Hợp pháp hay bất hợp pháp ?".

Bài báo được đăng trên BBC ngày 12/10/06 nói về nghề lobbist có một câu "Làm ăn với Mỹ phải biết lobby vì đó là cái thế chính trị mà người Mỹ thường vận dụng tối đa để tranh thủ quyền lợi kinh tế thương mại khi giao dịch với nhau và với người nước ngoài." Nếu như trong cuốn từ điển kinh tế có thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith, thì trong chính trường, vị tổng thống thứ 4 của Mỹ năm 1809, một trong những người thành lập quốc gia giàu có nhất thế giới này, James Madison, là người phổ biến một thuyết "bàn tay vô hình" khác mang đậm màu sắc chính trị. Đó là Lobby.

Lobby/Lobbying, tiếng Việt được dịch là ‘Vận động hành lang”, còn được gọi với 1 cái tên khác: 'Interest representation'. Với ngôn ngữ chuyên nghiệp của một nghề, tiếng Mỹ sử dụng thuật ngữ 'public affairs'. Lobby có thể hiểu đơn giản và rất đặc trưng là một "hoạt động ảnh hưởng đến tiến trình ban hành 1 quyết định". Khái niệm Lobby và PR là 2 khái niệm tách rời, và không nên đánh đồng với nhau, cho dù chúng có cùng một đích: tạo ảnh hưởng và thay đổi những nhận thức hay quan niệm hoặc giả chỉ để thay đổi thái độ của một vấn đề nào đó. Điểm khác biệt ở đây chính là mục tiêu của lobby là để thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng đến việc thay đổi quyết định. Và người ta hoàn toàn có thể sử dụng PR như một công cụ để phục vụ mục tiêu của lobby.

Đối với Việt Nam, hoạt động của một Lobbyist còn khá xa lạ và nhiều khi còn được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Tài liệu từ Tổng cục 3 - Bộ Công an (VN) có viết "ở khu vực Đông Nam á, cho đến năm 2004, chỉ có Việt Nam và Lào là không có chi phí cho hoạt động lobby, còn các quốc gia và vùng lãnh thổ như Campu-chia, Hồng Kông, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, My-an-ma, Sing-ga-po, Thái Lan, Phi-lip-pin đều có các khoản chi phí từ vài chục nghìn đến hàng triệu đôla cho hoạt động lobby ở Mỹ." Tuy nhiên, có một thực tế là sau những lần thua liên tiếp trong các vụ kiện bán phá giá tôm, cá basa hay hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm may mặc, dần dần thì chúng ta cũng hiểu tại sao nhiều khi tưởng chừng như rất vô lý, chúng ta thậm chí còn chưa kịp đưa ra các bằng chứng chống kiện, thì quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo đánh thuế hàng hoá của Việt Nam. Lý do rất đơn giản: Các tổ chức tại Việt Nam lúc này chưa hề nắm rõ thị trường Mỹ và cũng đã không có 1 ý tưởng nào về việc thuê Lobbyist trong vụ kiện (Chi phí thuê Lobby cho dù là có khá lớn, nhưng thực chất không ăn thua gì so với thiệt hại khoảng 20 triệu USD từ việc Mỹ nâng mức thuế chống bán phá giá đánh vào sản phẩm cá tra, basa đông lạnh). Trong khi đó, những tổ chức như Liên minh Tôm miền Nam (SSA) và Hiệp hội Tôm bang Lousiana (LSA), ngoài việc thuê Công ty Luật Dewey Ballantine, họ còn sử dụng hàng loạt các công ty chuyên hành nghề lobby nổi tiếng tại đây như Livingston, Jones Walker, Waechter, Poitevent&Denegre... để vận động các quan chức lưỡng viện Mỹ ủng hộ họ trong vụ kiện bán phá giá Việt Nam. Và họ đã thắng!


Phố K - nơi đặt trụ sở của các công ty Lobby hàng đầu nước Mỹ (Ảnh: Teamsugar)

Pháp luật Mỹ đã công nhận Lobby là một hoạt động chính thức hợp pháp và công khai. Lobby được điều chỉnh bởi Đạo luật Công khai vận động hành lang (Lobbying Disclosure Act 1995 - LDA) (trong đó có quy định: “bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký, phải công khai hoá các khách hàng, các tiếp xúc, công khai hoá các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả…”.), Bộ luật về ngân sách Liên Bang (Internal Revenue Code - IRC), và Đạo luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (Foreign Agents Registration Act - FARA). Chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) được hiểu là cá nhân đại diện cho khách hàng của mình được thực hiện việc tiếp xúc trực tiếp với các quan chức có thẩm quyền. Họ thường là các cựu nghị sĩ hoặc các quan chức cao cấp của chính quyền tiểu bang hoặc liên bang, những người đã từng giữ các vị trí tại Hạ viện, Thượng viện Mỹ. Chính vì vậy, họ đã duy trì được mối quan hệ và uy tín để có thể thực hiện các hoạt động lobby. Lobbyist là 1 nghề tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), và với tư cách là 1 nghề, 1 lobbyist cũng bị buộc phải tuân theo những quy định hành nghề đặc trưng (thuật ngữ 'Codes of Conduct'). Những lobby không chuyên nghiệp và những người chỉ vận động với công nhân viên cấp dưới của Quốc hội hay nhà nước cũng phải đăng ký, nếu vi phạm có thể bị phạt tới $50.000.Hoạt động nghề nghiệp này ở châu Âu cũng đã được điều chỉnh bằng các quy định hành nghề từ hàng chục năm nay và được thông qua bởi Nghị viện châu Âu. Những người Mỹ có câu "Ở đây, chỉ có Toà án là không thể lobby mà thôi!"


Cựu Nghị sĩ Mỹ Bob Livingston đã trở thành một nhà vận động hành lang thành công sau khi rời khỏi chính trường (Ảnh: Nola)

Thời báo Sài Gòn (Saigon Times) số ra đầu năm 2006 viết: "Các cuộc vận động hành lang đóng vai trò rất lớn trong chính trường Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta không nên rập khuôn theo bất cứ một khuôn mẫu nào bởi Việt - Mỹ có những nét đặc thù khác hẳn xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử riêng trong quan hệ hai nước. Phương châm mà chúng ta theo đuổi sẽ là tiếp xúc rộng rãi, chủ động tiếp cận và đối thoại thẳng thắn không né tránh kể cả với những nhân vật có quan điểm khác biệt." Lobby rõ ràng là nhu cầu thiết yếu trong phát triển chính trị và kinh tế, nhưng nếu rập khuôn của Mỹ hay bất kỳ nước nào khác, thì cũng chẳng khác gì việc chúng ta bê nguyên bộ giáo dục của Liên bang Nga thời trước vào Việt Nam.

Một ví dụ điển hình của Lobby chính trị từ nước khác vào Mỹ là năm 1994, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Clinton trao quy chế Tối huệ quốc (MFN) cho Trung Quốc, đồng thời tuyên bố: từ nay sẽ không gắn vấn đề nhân quyền với việc xét quy chế MFN cho Trung Quốc hàng năm. Việc lobby đó được thực hiện ở đâu ? Đầu thập niên 1990, thời điểm Trung Quốc bắt đầu nổi lên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã bắt đầu tỏ ra lo ngại trước cái mà họ coi là "mối đe doạ từ Trung Quốc". Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ thường xuyên dùng chiêu "nhân quyền" để gây sức ép về thương mại, cụ thể là đe doạ miễn áp dụng quy chế MFN. Theo điều luật sửa đổi của Tu chính án Jackson-Vanik áp dụng cho những nước hạn chế tự do di trú, Tổng thống phải xác định xem các nền kinh tế bị Mỹ coi là "phi thị trường" có cho phép tự do di trú không trước khi ban cho họ quy chế MFN. Có được MFN đồng nghĩa với việc được hưởng mức thuế quan thấp nhất ở Mỹ. Thời hạn của việc áp dụng MFN chỉ trong vòng 1 năm, nên cứ sau 12 tháng, Quốc hội Mỹ lại sẽ bỏ phiếu để quyết định xem có tiếp tục trao MFN cho các nước hay không. Nếu Quốc hội bỏ phiếu chống, điều này không những gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi muốn vào thị trường Mỹ, mà đặc biệt cản trở các tập đoàn lớn của Mỹ khi muốn làm ăn tại Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu Lobby của Trung Quốc tại thời điểm này là "làm sao gây ảnh hưởng để Trung Quốc được hưởng Quy chế Tối huệ quốc (MFN) tại cuộc bỏ phiếu hàng năm ở Quốc hội" và trước tiên "tập trung nhằm thuyết phục Quốc hội và chính quyền Mỹ tách vấn đề nhân quyền khỏi việc áp dụng MFN."

Chẳng phải ngẫu nhiên khi cùng lúc các lãnh đạo Boeing công khai lên tiếng yêu cầu chính quyền Mỹ tiếp tục dành cho Trung Quốc quy chế MFN (Wall Street Journal trước đó đã đưa tin hãng Boeing đang sắp hoàn tất hợp đồng bán máy bay chở khách trị giá khoảng 5 tỉ USD cho Trung Quốc), chủ tịch Hạ viện Tom Foley công khai "đối đầu" với các thành viên đảng Dân chủ tại Nhà Trắng khi tuyên bố rằng Tổng thống Clinton "không nên gắn vấn đề nhân quyền với thương mại". "Đó là hành động thách thức và đối đầu", ông Foley nói. Thực chất, Hạ nghị sĩ Foley đại diện cho vùng Spokane, bang Washington - quê hương của hãng Boeing. Về phía Trung Quốc, sau khi nhận được những tín hiệu tích cực mở đường ấy, nhiều đoàn đại biểu cũng đã sang thăm Mỹ để đẩy mạnh hoạt động hành lang. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung (UCBC) thành lập năm 1973 với mục tiêu ban đầu là giúp đỡ những doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc trong điều kiện hai bên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Thế nhưng mục tiêu của tổ chức này lúc đó là gì thì ai cũng hiểu, đó là kêu gọi liên kết giữa các tập đoàn của Mỹ và Trung Quốc trong việc lobby quy chế MFN. Tới năm 2005, số thành viên của Hội đồng đã lên tới gần 250 công ty và sẽ tiếp tục tăng mạnh do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những thách thức doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt tại thị trường này. Trong số các thành viên chủ chốt của Hội đồng, có rất nhiều tập đoàn khổng lồ, nổi tiếng thế giới như Boeing, Intel, IBM, Coca Cola, HP, Morgan Stanley, AIG, Exxon, Erricson, Motorola....) Kết quả thì ai cũng rõ Trung Quốc giành được quy chế Tối huệ quốc năm 1994 với lời bảo của Clinton "sẽ không gắn vấn đề nhân quyền với việc xét quy chế MFN cho Trung Quốc hàng năm"!

Tại Mỹ, khi có xung đột quyền lợi thì một trong những nguyên tắc chính để tạo cân bằng và ổn định chung là thương lượng, qua đó hy vọng tìm được sự nhượng bộ của cả hai bên, mỗi bên có lợi một ít, không bên nào được lợi hết, hoặc thiệt hết. Khi hai bên không thể tự giải quyết ổn thỏa thì mới “đụng trận” đem nhau ra tòa, hay để cho một phía thứ ba đứng ra giải quyết giùm. Đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn kém chi phí cũng như thời gian. Muốn có được cái thế lực cần thiết để thủ thân thì cần phải có một chiến lược lobby ở tầm quốc gia (về mặt chính trị) và ở tầm doanh nghiệp / hiệp hội (về mặt kinh tế thương mại). Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Thomas O’Neil đã nói một câu mà sau này rất hay được các nhà chính trị và vận động hành lang sử dụng: “Chính trị là việc địa phương” (“All politics is local”). Ý nghĩa của câu nói này là các dân biểu bị áp lực trực tiếp và thường xuyên từ cử tri của mình, và phải ưu tiên phục vụ đòi hỏi của họ; nếu không thì sẽ thất cử, khi ấy cho dù người dân biểu có mục tiêu phục vụ lý tưởng tốt đến đâu cũng không có đất để hoạt động.

Một đoạn từ BBC để kết, "Không có phương tiện lobby thì doanh nghiệp trong nước sẽ không có khả năng tiên đoán những hậu quả không lường được, và cũng sẽ không có khả năng trở tay một cách bài bản và có hiệu quả khi bị gây sự từ những nhóm đặc quyền ở Mỹ. Lobby ở Mỹ là một vấn đề mà nếu không biết lo xa tất sẽ có buồn gần; cái giá phải trả sẽ rất lớn, từ những thiệt hại cụ thể đến những hệ quả lâu dài hơn."


James Nguyen, tháng 1/2007
(tại 360, edit và đưa lên blogspot ngày 11/6/2009)