Tôi không thích gọi những gì xảy ra với đội ngũ BLV hiện tại là “khủng hoảng thế hệ”, bởi rất thông cảm và không muốn gây thêm nhiều sức ép đối với họ nữa, nhưng cần phải đặt ra những câu hỏi để có thể giải quyết chuyện này: xét từ khía cạnh người xem truyền hình, vấn đề BLV có thực sự nghiêm trọng đến mức đó không và xét từ khía cạnh những BLV trẻ, họ có thực sự nghĩ rằng, họ đã làm tốt công việc của mình chưa và phải làm gì nếu chưa tốt?
1.Xét từ khía cạnh người xem truyền hình, tôi tin rằng, trình độ cảm nhận bóng đá cũng như văn hóa xem bóng đá trên truyền hình của một bộ phận không nhỏ người xem chúng ta chưa thực sự cao. Người ta không thể chỉ đơn giản nghĩ rằng, mình hiểu bóng đá, nắm được đủ loại tin tức trên trời dưới biển về trận đấu hoặc mình có một vốn sống và kiến thức tương đối cao để có thể cho rằng, người BLV đang nói trên tivi kia là kém và không thể bằng họ. Ở đây không nhắc đến vấn đề người BLV kia nói kém thật, thể hiện một sự hời hợt hoặc thiếu khách quan trong cách đánh giá, nhận định, hay có dị tật trong cách nói, mà chỉ bàn đến cách tiếp thu của khán giả.
Cần phải đặt ra câu hỏi: Liệu khán giả có hiểu được công việc của người BLV là làm gì trên sóng chưa? Nhiều người vẫn có một suy nghĩ đơn giản là chỉ cần giọng tốt là có thể nói một cách trôi chảy trên tivi. Không ít người khẳng định rằng, bình luận trên sóng là dịch lại những gì BLV nước ngoài đã nói. Lại có một bộ phận không nhỏ cho rằng, BLV là một công việc chuyên nghiệp, cần phải có trường lớp đào tạo đàng hoàng và BLV chúng ta kém là vì không có đào tạo chính quy, và rằng ở nước ngoài, các BLV giỏi đều là các cầu thủ giải nghệ rồi lên sóng. Tất cả những suy nghĩ ấy bản thân nó đã hạ thấp vai trò của người BLV, cho phép người xem có quyền áp đặt quan điểm vượt trội của mình lên người làm công việc bình luận và do đó, không coi trọng nghề này. Tôi không rõ ở nơi nào có phản đối BLV hay không, ở Ý chắc chắn là không, dù tôi đảm bảo rằng, không phải ai trong số BLV các kênh truyền hình Ý cũng giỏi, nhưng ít có nơi nào mà nghề BLV chịu sức ép lớn như ở nước ta. Đó là một sự bất công. Khán giả muốn được phục vụ, nhưng khán giả cũng cần phải hiểu vấn đề trước khi chỉ trích hay chê bai người khác. Tôi đã từng hỏi một phóng viên thể thao Ý về vấn đề khán giả với BLV để so sánh với Việt Nam. Anh này nói, ở Italia, BLV không phải là ngôi sao Hollywood để được quan tâm đến mức bắt bẻ từng câu chữ. Các tifosi Italia rất khó tính, nhưng họ không “soi” các BLV như ở ta. Họ tôn trọng công việc của các BLV.
Trên thế giới này, có một trường lớp nào đào tạo BLV? Tất cả đều là tay ngang mà nên. BLV trên bóng đá có nhất thiết phải là cầu thủ không? Các bạn phải hiểu rằng, cách thực hiện bình luận một trận đấu của họ là thế này: hầu như trên sóng cũng có 2 giọng nói, một là của “commentator” (dạng như người dẫn dắt trận đấu, hò hét, đọc tên cầu thủ, đưa thông tin, người này là nhà báo 100%) và một là của “pundit” (đây mới là một người có chuyên môn rất cao, có thể là một cầu thủ, hoặc một chuyên gia bóng đá. Người này “tỉa” các tình huống trận đấu)!
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, khán giả chúng ta rất khó tính, nhưng không phải tất cả những lời chỉ trích của họ là vô lí.
2. Xét từ khía cạnh người làm nghề. Sau thế hệ của những người đi trước là thế hệ của chúng tôi. Tôi xét ra vẫn là người đi sau anh Quang Huy, Quang Tùng và Long Vũ, nhưng có may mắn được lớn lên và trưởng thành cũng như học hỏi nhiều ở họ. Điều toát lên từ thế hệ này, là trước khi trở thành những BLV, chúng tôi đã có những đam mê bóng đá cháy bỏng và hoài bão ấy được nuôi sống bởi nhiều đam mê khác, từ âm nhạc, văn học, lịch sử đến khoa học kĩ thuật, để rồi thể hiện chính những điều đó trên sóng.
Một BLV muốn giỏi không chỉ cần có giọng nói hay và cách thể hiện sinh động, những yếu tố đó cũng chỉ như một cái áo đẹp khoác bên ngoài, mà điều quan trọng là cần phải có cái đầu và trái tim. Cái đầu là nơi không ngừng phân tích mọi tình huống của trận đấu, nhằm phát hiện và đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá, thậm chí dự đoán trước, là nơi phân tích hàng nghìn thông tin liên quan đến trận đấu giống như một máy tính phân tích các dữ liệu (để làm một trận đấu, tôi phải đọc hàng trăm trang thông tin khác nhau, và để dễ nhớ, tôi chép lại tất cả bằng tay!). Trái tim là nơi phát ra những đam mê của mình. Bạn là BLV, bạn cần phải biết biến những trận đấu dở thành bình thường, bình thường thành hay và hay thành tuyệt vời. Bạn phải bắt bằng được khán giả cảm nhận điều ấy. Đấy là cái tài của người BLV. Bạn không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không làm được điều đó, bạn là kẻ thất bại.
Chuyên môn cần phải học và không bao giờ có BLV giỏi nếu sau mỗi trận đấu, người đó không xem lại băng hình mình vừa bình luận để tự rút kinh nghiệm, nhưng chuyên môn thì có thể học được. Còn biến trận đấu thành một thứ thiên đường hay địa ngục để người xem không thể nào rời tivi được mới là chuyện khó. Điều đó phụ thuộc vào chính cảm nhận một cách thật nhất của bạn. Điều chưa một BLV bây giờ làm được là truyền lửa vào trận đấu một cách tự nhiên nhất, sống động nhất và gắn bó với trận đấu nhất. Một khi không hiểu được trận đấu, không nắm được mạch của nó, không tìm ra được những điểm mấu chốt liên quan đến nó về lịch sử, con người, về những cuộc đối đầu, những khía cạnh chuyên môn cụ thể nhất, cả những chuyện cá nhân cầu thủ hay HLV, không chỉ ra được sự hấp dẫn của trận đấu là ở đâu thì không thể truyền được niềm đam mê của mình cho khán giả. Nếu bạn không sống trong trận đấu đó, quên đi tất thảy mọi thứ xung quanh, lôi kéo người xem vào “đời sống” của một trận đấu mà bạn có thể vui với người chiến thắng và buồn cho kẻ thất bại, không hiểu được ý tứ của camera truyền hình quay vào mặt một nhân vật nào đó trên sân hoặc ngoài sân, bạn hãy tự xem lại mình.
Lứa BLV đi trước của chúng tôi yêu bóng đá và hy sinh cho nó nhiều năm tháng tuổi trẻ của mình. Cá nhân tôi yêu bóng đá như cuộc sống của mình, yêu giải đấu mình làm đến mức có thể làm nhiều điều vì nó. Và để chế ngự được nó, không có cách nào khác là học ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, thậm chí chính trị của đất nước ấy. Nhờ tình yêu bóng đá mà tôi tiếp cận được với nhiều điều khác của cuộc sống. Tôi quan niệm, bóng đá chỉ là một phần của cuộc sống và cuộc sống ấy cần phải được thể hiện trong các trận đấu. Các BLV trẻ còn thiếu nhiều điều như thế để có thể vượt qua chính mình trước khi vượt qua cái bóng của chúng tôi. Nỗi khổ của những người đi sau chúng tôi là cái bóng chúng tôi để lại quá lớn và làm sao để không bị so sánh với chúng tôi là cả một vấn đề. Nhiều người đã cố gắng, nhưng chưa ai nhìn thấy ở họ sự khổ luyện và nỗ lực thoát ra cái bóng của một BLV trung bình. Tất cả vẫn còn trong cái vỏ ốc tiềm năng, chưa ai thể hiện được cái tôi, tạo ra phong cách riêng, dám đưa ra các quan điểm và dũng cảm bảo vệ các quan điểm ấy.
3. Vấn đề của chúng ta hiện tại không phải là tìm cách đào tạo những BLV sao cho quy củ (điều đó là không thể), mà là làm thế nào để kích thích những gì còn ẩn giấu trong các BLV yếu và trung bình thành những BLV giỏi. Ở đây, trách nhiệm của các đài truyền hình là rất lớn trong việc định hướng về nghề cũng như tìm kiếm các BLV. Các đài truyền hình có sai lầm không? Có, rất nhiều. Một ví dụ: Sai lầm lớn nhất của VTV3 trong dịp EURO 2008 là mở một lớp dạy cách phát âm cho các BLV. Điều đó tạo ra một sự nhiễu thông tin quá lớn không chỉ cho khán giả mà còn cho chính các BLV. Điều khán giả mong đợi không phải là đọc cho đúng tên cầu thủ mà là người BLV phải làm sao cho trận đấu hay, có hồn và hấp dẫn. BLV đâu có đọc cho nhân dân các nước đó xem trận đấu đâu, đồng thời các trận đấu không phải là cách dạy ngoại ngữ để rồi các BLV, thay vì tập trung cho chuyên môn, lại phải cắm đầu cắm cổ với việc phát âm sao cho đúng với cách mà họ đã được học? Sai lầm từ nhận thức dẫn đến sai lầm trong cách thực hiện. Liệu có ai đảm bảo nhờ đó mà VTV3 phục vụ khán giả tốt hơn?
Vẫn biết là làm nghề BLV bây giờ cực khó và sức ép rất lớn, thậm chí lớn hơn nhiều thời của chúng tôi. Tuyển được những BLV được đã khó, giỏi lại càng khó đến mức hầu như không thể (năm 2005, anh Long Vũ và tôi đã tuyển BLV cho kênh VCTV3, từ hơn 100 thí sinh trên cả nước cũng chỉ xét tàm tạm được dăm người), nhưng tôi tin là những bạn trẻ mê bóng đá và thích trở thành BLV nhiều như lá mùa thu. Vấn đề cơ bản nhất nhưng cũng khó nhất mà các bạn phải đối mặt: cái đầu và trái tim, như hai mặt của hình thức và nội dung. Cái đầu suy nghĩ và trái tim cảm nhận. Vì mỗi trận đấu đều có một cá tính, một kết cục không thể lường trước được, một tâm hồn.
Anh Ngọc, tháng 9/2008