(TT&VH) - Tối qua, tôi vào google tìm từ khóa “tàu lạ”, có ngay 19 triệu 600 nghìn kết quả trong 0,07 giây. Bỗng nhớ, ngoài tàu lạ, ở nước ta, thường xuyên phải đối mặt với những sự lạ mà ít nước nào gặp phải. Có những điều lạ xuất phát từ bên ngoài là cái hay cái đẹp đáng để học hỏi, nhưng có những điều là khiến mới nghe đến phải ghê tởm, cảnh giác. Chỉ xin điểm qua một số sự lạ từ những năm đầu của thập niên trước trở lại đây.
Có một thời, nhiều nơi người nông dân nước ta đào rễ hồi, vặt râu ngô non, thu gom bán cho các thương lái xuất ra nước ngoài. Đấy là sự lạ bởi không ai biết họ mua những cái đó để làm gì, nhưng họ trả giá cao, chỉ bộ râu ngô mới nhú có giá bằng cả bắp ngô cho thu hoạch. Thế là nông dân ta bán. Kết quả, nhiều nơi sản lượng ngô tụt giảm, thiếu thức ăn chăn nuôi. Vậy là thức ăn và thịt gia súc gia cầm của nước láng giềng tha hồ tuồn vào nước ta.
Sau rễ hồi, râu ngô non là những móng trâu bò, thịt mèo, thớt nghiến, gỗ sưa, ốc bươu vàng... Họ thu mua toàn những thứ lạ. Không lâu sau người dân và các cơ quan chức năng của ta phải “đau đầu” đối phó với “sưa tặc”, với nạn chuột đồng và ốc bươu vàng phá hoại...
Gần hơn, năm 2007 các thương lái nước ngoài “thu mua phế liệu” cả cáp quang viễn thông trên biển của ta với giá cao. Đấy lại là một sự lạ. Không ai hiểu họ mua để làm gì, bởi loại cáp quang này có lõi thủy tinh chứ không phải lõi kim loại. Kết quả, hàng chục km cáp quang viễn thông nối Việt Nam với thế giới bị cắt trộm, thiệt hại hàng chục triệu đô la.
Còn một sự lạ gần đây hơn nữa, mà có lẽ không nhiều người biết. Đó là đầu tháng 5, báo chí liên tục đưa tin về loại chó lạ tấn công người và gia súc ở Lào Cai. Loài chó lạ có hình dáng thân thon dài, tai nhọn, mắt đỏ, màu lông đốm trắng, khoang đen trắng hoặc vằn vàng. Chúng thường đi lang thang vào các thôn, bản, hung dữ, tranh cướp thức ăn với chó nhà và thường xuyên tấn công các vật nuôi như gà, lợn, bê, ngựa... Khi thấy người chúng thường bất ngờ tấn công, nhất là khi bị xua đuổi.
Loại chó lạ này thường chỉ xuất hiện ở các huyện giáp biên giới như Mường Khương, Si Ma Cai. Có đồng nghiệp làm báo “nằm vùng” tại Lào Cai, tôi liền gọi lên nhờ anh viết một bài điều tra tỉ mỉ về nguồn gốc loại chó này, anh bảo: “Vì không có chứng cớ nên phải gọi là “chó lạ” thôi. Chứ dân ở đây ai cũng biết loại chó này là từ đâu đến".
Điều lạ nguy hiểm này cần phải được ngăn chặn ngay lập tức. Với những con chó lạ, chỉ sau một thời gian ngắn, lực lượng chức năng và nhân dân dân các xã thuộc huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai đã giết và tiêu hủy 22 cá thể, trả lại sự bình yên cho bản làng.
Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là “tàu lạ”, trước đây, tàu của ngư dân nước ta bị lén lút tấn công trên biển, bị bắt giữ đòi tiền chuộc, chúng ta còn gọi những con tàu đó là “tàu lạ”. Nhưng sự việc ngày 26/5, ba tàu hải giám của Trung Quốc táo tợn xâm nhập trái phép lãnh hải nước ta, phá hoại tài sản của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể gọi đích danh “tàu lạ” đó là tàu Trung Quốc. Những hành động xâm nhập, phá hoại kia được gọi chính xác là “táo tợn”, “ngang ngược”. Ở đây, cái sự lạ đã ngày càng công khai, trắng trợn và thách thức.
Điều lạ nguy hiểm này cũng cần phải được ngăn chặn ngay lập tức.
Khi biển đảo quê hương đang đứng trước mối họa ăn cướp rình rập, ngay lúc này, chúng ta cần sự đồng tâm hiệp lực, cần tình yêu nước trong trái tim tất cả những người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng ta tin rằng, “làn sóng” yêu nước ấy dư sức nhấn chìm bất cứ con “tàu lạ” nào âm mưu xâm phạm nước ta.
Mạnh Cường