Tuesday, August 13, 2013

Siêu bão Utor so sánh thế nào với Katrina?

(Và thang bão Việt Nam khác gì so với thang bão Mỹ?)


"Siêu bão Utor", theo như báo chí ta gọi, đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền Trung Quốc và cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Nghe đến độ nguy hiểm và kinh khủng khi nhắc về cơn bão này làm tớ không tránh khỏi liên tưởng đến Katrina của Mỹ mấy năm trước. Thắc mắc được đặt ra là cơn bão này so với Katrina thì như thế nào, và thang bão của Mỹ khác thang bão của Việt Nam ra sao, sau đây là câu trả lời:

1> Về phân biệt thang bão: Mỹ hay sử dụng phân cấp bão theo "Thang bão Saffir-Simpson" còn ta phân bão theo cấp gió sử dụng Thang sức gió Beaufort.

2> Sở dĩ Việt Nam không sử dụng phân cấp theo thang bão Saffir-Simpson được giải thích vì "hầu như không có bão mạnh đến mức cần sử dụng thang bão Saffir-Simpson, nên chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort để mô tả sức mạnh của chúng là đủ."

Lý do vì các cơn bão mạnh trên cấp 12 hầu như đều xuất phát từ ngoài đại dương, sau khi vượt qua Philipin để đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió đã suy giảm rất nhiều. 

Gió xoáy có cấp Beaufort từ 6 đến 7 trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên một diện rộng, có thể kèm theo mưa lớn gọi chung là bão. 

Bão Chanchu (2006) không đi vào vùng bờ biển Việt Nam, nhưng với cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson đã làm nhiều tàu thuyền bị đánh chìm và nhiều ngư dân Việt Nam bị chết trên biển Đông. Trong dự báo bão cho cơn bão Xangsane, lần đầu tiên người ta đã sử dụng sức gió cấp 13 và trên cấp 13.

Năm 2008 khi cơn bão số 6 mang tên quốc tế Hagupit (dùi cui) đi vào khu vực Bắc Biển Đông Việt Nam với sức gió tương đương với cấp 4 của thang bão Saffir-Simpson thì Việt Nam bắt đầu sử dụng cấp 13 - 17 khi đã nâng nó lên cấp ngưỡng đầu tiên của siêu bão là cấp 15.

3> Về "Siêu bão Utor" hiện tại, theo thông tin mới nhất trên Vnxpress lúc 11h15 ngày 13/8/2013, thì siêu bão này có sức gió đạt gần 170 km tương đương cấp 14 Beaufort, tức là chưa đạt "chuẩn" siêu bão Việt Nam. Thậm chí nếu chiếu theo thang bão Saffir-Simpson thì Utor "chỉ" đạt... cấp 2 (154–177 km/h).

Siêu bão Katrina năm 2005, trong khi đó, sức gió đạt ngưỡng 278km/h (đạt chuẩn bão cấp 5 thang bão Saffir-Simpson, tức trên 250 km/h). 

Hay nói một cách khác, so với Katrina, thì Utor vẫn chỉ xách dép cho "đàn chị" Katrina.

Hùng Anh


Xin lưu ý: Đây chỉ là thông tin nghiên cứu cá nhân, không có tính chất khinh thường mức nguy hiểm của các cơn bão.

Thông tin thêm về thang bão Saffir-Simpson:
http://en.wikipedia.org/wiki/Saffir–Simpson_hurricane_wind_scale 
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thang_bão_Saffir-Simpson
Thang sức gió Beaufort:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thang_sức_gió_Beaufort
http://en.wikipedia.org/wiki/Beaufort_scale
Ảnh: Supercell storm, tác giả Sean Heavey, National Geographic.

Thursday, August 8, 2013

Tháng 9 năm 1752, 11 ngày biến mất trong lịch sử, nguồn gốc của nghỉ phép và April Fool's Day


Đây là ảnh chụp màn hình lịch tháng 9 năm 1752, một sự kiện thú vị trong lịch sử.

Bức ảnh không hề được Photoshop hay Mspaint, bạn cũng có thể tự mình Google lịch tháng 9 năm 1752 để tận mắt chứng kiến. 11 ngày trong tháng 9 này bỗng dưng… biến mất, từ ngày 3 đến 13. Nguyên do: Đây là tháng mà Vương Quốc Anh bắt đầu chuyển từ lịch Roman Julian (hay lịch Julius) sang lịch Gregorian (Gregory), tức lịch hiện đại, mà hầu hết các nước trên thế giới đang sử dụng.

Một năm lịch Julian dài hơn 11 ngày so với lịch Gregorian. Vì thế, nhà vua Anh ra lệnh xóa sổ 11 ngày trong tháng 9 năm 1752 đó ra khỏi lịch sử.

Cũng do vậy, công nhân của nước Anh tháng đó được làm việc ít hơn 11 ngày, nhưng vẫn được trả lương cả tháng. Đây là khởi đầu của cụm từ “paid leave” (hay nghỉ phép, không phải đi làm nhưng vẫn được trả lương). Đức Vua vạn tuế!

Trong lịch Julian cũ, tháng 4 là tháng đầu tiên của một năm, nhưng lịch Gregorian mới lại để tháng 1 là tháng đầu tiên. Kể cả khi đã chuyển sang lịch Gregorian, nhiều người vẫn tiếp tục giữ truyền thống cũ và tổ chức năm mới vào ngày 1/4.

Khi nói nặng nói nhẹ, kể cả ra luật cũng không được, Đức Vua Anh ban quốc lệnh tuyên bố những kẻ tiếp tục tổ chức năm mới vào ngày 1/4 sẽ bị gọi là những kẻ ngu ngốc (tiếng Anh: "Fools"), và kể từ đó, ngày 1/4 được gọi là "April Fool's Day." (Ngày của những kẻ ngốc, cá tháng tư).

Lịch sử quả thật rất thú vị.

Hùng Anh 
@Useful info