Giống như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm SEO (Search Engine Optimization) là dành cho các trang web, ASO dành riêng cho các ứng dụng điện thoại di động. Cụ thể, tối ưu hóa kho ứng dụng bao gồm quá trình đưa ứng dụng có hiển thị cao trên kết quả tìm kiếm và thứ hạng cao bảng xếp hạng ứng dụng, và tất nhiên, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lượt tải hơn cho ứng dụng đó và doanh thu sẽ vượt trội.
Với số lượng ứng dụng trên iOS và Android ngày càng tăng lên một cách chóng mặt, các nhà phát triển ứng dụng dần nhận thức được tầm quan trọng của ASO cho sự thành công của sản phẩm của mình.
Cụ thể, mục tiêu của ASO giúp các nhà phát triển ứng dụng:
1. Giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm ứng dụng của mình.
2. Giúp ứng dụng có thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng ứng dụng so với đối thủ
3. Ứng dụng có thứ hạng cao hơn cho một số từ khóa quan trọng
4. Ứng dụng có thứ hạng cao trong tìm kiếm của Google cho app
5. Tối ưu hóa hình ảnh, đồ họa, mô tả cho ứng dụng, tăng độ hấp dẫn, giúp ứng dụng được tải nhiều hơn.
Cách thức
Không giống như SEO, ASO còn sơ khai và khá mới mẻ, thậm chí một số cách thức còn không có thuật toán đo lường hiệu quả. Phương pháp phổ biến chia ASO thành hai quá trình:
Tối ưu từ khóa (Keyword Optimization hay KWO): Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn những từ khóa tốt nhất để nhắm và hướng người dùng từ kho ứng dụng đến được với ứng dụng của mình.
Tối ưu hóa ưu điểm (Asset Optimization hay AO): Tối ưu hóa ảnh minh họa, video giới thiệu, ảnh chụp màn hình ứng dụng, thường được đo bằng cách đổi từng thứ một và đo lường hiệu quả.
Một số phương thức cơ bản của ASO:
1. Sử dụng từ khóa trong tiêu đề ứng dụng: Theo báo cáo của MobileDevHQ, có đến 84% ứng dụng bị bỏ qua từ khóa này, trong khi nó rất quan trọng trong việc định hướng công cụ tìm kiếm đến với ứng dụng của nhà phát triển.
2. Chọn đúng danh mục (category) và tiểu mục (iOS từ phiên bản 8 có cung cấp thêm sub-category) cho ứng dụng cũng giúp sản phẩm có hiệu suất tìm kiếm cao hơn.
3. Đo lường: Một số ứng dụng công cụ đo lường cho phép nhà phát triển có thể kiểm tra được ứng dụng đang được xếp hạng thế nào với từng từ khóa. Các ứng dụng miễn phí: Mobile App Analytics của Google, MobileDevHQ, Distimo Analytics, Mopapp. Công cụ mất phí: Gummicube, Mobile Action, AppCodes, AppTweak, Sensor Tower, và Searchman.
4. Lượt tải: Lượt tải càng nhiều đương nhiên sẽ kích thích sự tò mò và cả sự an tâm của người dùng, quan trọng không kém cùng với đánh giá, bình luận cũng như hiện diện của ứng dụng về trên truyền thông.
5. Đánh giá & bình luận (Rating/Reviews): Như đã nói ở trên, các đánh giá và bình luận là rất quan trọng đối với sự thành công của ứng dụng. Một số công cụ phổ biến để theo dõi và phân tích Rating & Review bao gồm Appbot.
6.Tối ưu hóa biểu tượng của ứng dụng(icon): Đây là hình ảnh đầu tiên của ứng dụng đến với mắt ng ười dùng, và đương nhiên, nó sẽ chiếm một phần rất quan trọng trong quyết định của họ. Biểu tượng này được khuyên nên được thiết kế hiển thị được ứng dụng có nội dung gì, và càng đơn giản càng tốt.
7. Ảnh chụp màn hình: Từng ảnh chụp màn hình nên bao quát được nội dung nhất định cần thiết, bao gồm sự hỗ trợ của chữ giúp mô tả từng ảnh chụp này hiển thị cho cái gì. 2 ảnh chụp đầu tiên là quan trọng nhất.
8. Video: Cả Google Play và iOS App Store đều cho phép sử dụng video để giới thiệu sản phẩm ứng dụng, nếu có thể, nhà phát triển nên sử dụng nó một cách tối ưu như với ảnh chụp màn hình.
9. Địa phương hóa: Dịch nội dung ứng dụng theo những ngôn ngữ khác nhau có thể giúp gia tăng lượng cài đặt và đưa ứng dụng đến với thị trường tiềm năng. Theo một nghiên cứu độc lập, địa phương hóa một ứng dụng có thể đem lại hiệu suất tăng đến 767% cho ứng dụng đó.
10. Giá thành: Đánh giá ứng dụng có giá trị như thế nào với người dùng luôn là một trong những vấn đề đau đầu và khó khan nhất với nhà phát triển. Chọn giá thành hợp lý kèm với khuyến mãi trong dịp đặc biệt hay ngày lễ với một chương trình PR tốt là một lựa chọn phổ biến của các nhà phát hành.
ASO mũ trắng và ASO mũ đen
Giống như hacker, ASO cũng được xếp theo mũ trắng và mũ đen, hay “chính” và “tà”. Một số nhà phát triển sử dụng những cách thức không được khuyến khích hay bị cấm bởi các kho ứng dụng nhằm đưa ứng dụng của mình đến với người dùng một cách không hợp lệ. Ví dụ như giả lượt download, giả bình luận và đánh giá, bắt chước hay làm giả một ứng dụng phổ biến chỉ thay tên “một chút” so với bản gốc. Đương nhiên, các kho ứng dụng như App Store hay Google Play liên tục tìm cách hạn chế thậm chí cấm vĩnh viễn đối với các ứng dụng và nhà phát triển “ăn gian” theo cách này.
20/07/2015
Hùng Anh
Viết cho Adways Việt Nam (http://facebook.com/AdwaysVietnam)