Tuesday, June 14, 2011

Giọng Hà Nội

Theo TOU (30/9/2009)

Giọng Hà Nội, trôi theo sự xê dịch của xã hội, chiến tranh, di dân, quyền lực… đã có những thay đổi biến hóa, không chỉ câu từ cấu trúc, mà còn cả giai điệu âm sắc.

Entry này, không mạn đàm ngôn ngữ học, chỉ là một chút hoài niệm luyến tiếc một ngày xưa rất xưa, một nền văn minh phai nhòa.

Giọng Hà Nội, theo thiển ý của người viết, được chia làm bốn (04) phân nhóm, từ cảm nhận hiện tại và những mảnh vỡ từ quá khứ, xâu chuỗi thời gian, bốn phân nhóm ấy bao gồm: Hà Nội Xưa, Hà Nội 54, Hà Nội 75, Hà Nội mới.


————–

Hà Nội Xưa

Cung bậc trầm ấm chậm chắc tròn vành rõ chữ, không luyến láy, không lên giọng cuối câu, không nhấn nhá, không kéo rê, không âm thừa. Chất giọng sang trọng quí phái đặc biệt mà các bậc lão niên tản mác vẫn còn sử dụng.

Một buổi chiều tháng bảy oi bức, quán bún thang Bà Đức ngay góc nối Cầu Gỗ và Hàng Bè xuất hiện một bô lão gầy gò thấp bé, tóc bạc phơ, từng ngón tay khẳng khiu móng tay cắt gọn vuốt nhẹ lên chiếc áo chemise xám bạc màu nhưng tinh tươm sạch sẽ. Ông lão tự động xếp hàng chờ ghế trống, ông lão tự xếp mình sau người đàn ông trung niên đến trước mình vài phút. Người đàn ông trung niên, chừng như kẻ lạ ở đất thủ đô, mìm cười nhường ông lão, ông lão đáp lễ bằng sự cung kính trang trọng kèm theo lời “cảm ơn ông” trầm nhẹ. Chất giọng cảm ơn rất lạ mà thời nay ít người còn dùng, đúng đủ chừng mực, không vồn vã, không xu nịnh, không cao không thấp, như ghi nhận một sự kiện ắt-phải-là.

Nhìn cách ông lão ngồi, xếp chân, cầm đũa, vắt chanh, gắp, ăn, nhai…toát lên một nền văn minh cổ đại, như Maya, như Pharaoh, một sự pha trộn hài hòa của văn hóa Nho Khổng và văn minh Pháp thuộc địa, một sự thanh cảnh quí phái nhưng lại rất đỗi mềm mại thanh thoát.

Giọng Hà Nội xưa còn có thể nghe được ở những người già ngoài 60 tuổi, sống lần khuất đâu đó mờ nhạt trong những con ngõ hun hút khu phố cổ, hoặc trong nhóm các cụ xa quê chưa biết ngày về. Đài truyền hình Việt Nam đã từng có phòng sự về người vợ Việt theo chồng Pháp định cư trong quãng thời gian 1945-1954, bơ vơ xứ người, khắc khoải nhớ quê, chất giọng ấy vẫn còn, nhưng xa lắm.

Giọng Hà Nội xưa được truyền lại cho thế hệ sau thông qua kênh gia đình thuần túy, vì thế, ngày nay còn giữ lại được chất giọng thanh thoát ấm áp của Hà Nội gốc.


Hà Nội 54

Những người miền Bắc, bất luận sinh sống ở tỉnh nào, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng.. di cư vào Nam sau hiệp định Paris đều được gọi là Bắc 54. Chất giọng đặc trưng của Hà Nội 54 có thể nghe được rõ nét ở khu vực chợ Sặt, Trảng Bom, Phương Lâm, Định Quán (Đồng Nai), làng Bắc Ninh, Tam Hà (Thủ Đức), ngã tư Bảy Hiền… chất giọng hơi nhấn nhá, dấu ngã có khuynh hướng chuyển thành dấu sắc, âm đục kéo dài cuối câu.

Điều đặc biệt của Hà Nội 54 là không bị phai tạp mất gốc, tính cộng đồng tình nghĩa vẫn sâu đậm, chất giọng vẫn sắc sảo, món ăn vẫn đậm muối kén đường ít thịt nhiều rau.


Hà Nội 75

Những người miền Bắc vào tiếp quản miền Nam sau 1975 vẫn thích nhận mình là “Người Hà Nội”, mặc dù có thể đó chỉ là ước muốn hoài bão hoặc giấc mơ đổi đời, vì xứ Thanh xứ Nghệ chắc hẳn không phải là Hà Nội.

Giọng Hà Nội 75 là một mớ hổ lốn những âm thanh chát chúa pha lẫn từ địa phương, tiếng lóng, tiếng khệnh khạng, tiếng kệch cỡm. Có những người chạy từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, bám trụ và di trú thích khoác lên mình chiếc áo thủ đô.

Chính những người di dân này nhanh chóng lẩn mình vào Hà Nội, thay giọng, pha tiếng, để có chút Hà Thành.

Chính những người này đặt nền móng cho một chất giọng Hà Nội đặc trưng mà đôi khi người không phải Hà Nội hoặc người Hà Nội gốc phải nhíu mày chun mũi. Hà Nội 75 có đặc trưng pha lẫn giữ nờ và lờ để tạo phong cách lạ, đôi người nói nhịu nhiều người lói ngọng rất nhiều người lói tiếng lào ra tiếng ý

Chất giọng Hà Nội 75 thường rung ở cung bậc cao nhất mà thanh quản con người có thể cất lên, dân gian gọi là the thé, nhẹ nhàng hơn gọi là lanh lảnh. Giọng cao, nói to, từ ngữ bổ bã chân quê, mộc mạc chân tinh bằng vai phải lứa khi chưa quen, phân vai thứ hạng khi đã biết. lúc này văn hóa làng xã ứng xử gia đình xuất hiện trong chất giọng Hà Nội 75 bằng mày-tao, tôi-chú, bác-cháu, thằng-con.


Hà Nội mới

Hà Nội nay đã rộng hơn lớn hơn hoành tráng hơn, người Hà Nội tự hào hơn tinh tướng hơn và có chút ngẩn ngơ hơn, người thủ đô vẫn thẽ thọt “Ba vi có con bo vang”.

Hà Nội Mới đã bắt đầu có phân định bằng nghi thức đếm số “tôi là Hà Nội một, chúng nó là Hà Nội hai”, đây là Hà Nội hẹp và kia là Hà Nội rộng.

—————

Giọng Hà Nội có sự phân tách giữa cũ và mới, xưa và nay, nhưng dù cho vật đổi sao dời, giọng Hà Nội vẫn mang sắc thai đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, vẫn yêu cháy lòng vẫn căm xương tủy, vẫn vị tha đùm bọc vẫn phớt tỉnh ăng-lê, vẫn thâm trầm suy xét vẫn quan sát cân nhắc, vẫn chạy theo cơn lốc làm tiền và sống đẫm một chữ tình.

TOU (30/9/2009)

1 comment: